Hiến tặng tư liệu, hiện vật
bn_l2
bn_l
b
Liên kết website
 

Khai quật kiến trúc phế tích tháp Xuân Mỹ (Bình Định)

Khai quật kiến trúc phế tích tháp Xuân Mỹ (Bình Định)
Mặt bằng hố khai quật
BAOTANGBINHDINH.COM.VN »
07/04/2021 | 05:03
Phế tích tháp Xuân Mỹ tọa lạc trên đỉnh núi Trảng Bồ thuộc thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước nằm ở tọa độ 13o51’82” vĩ Bắc – 109o11’04” kinh Đông. Phía Tây phế tích là dãy Kỳ Sơn, phía Đông và phía Bắc dưới núi là khu dân cư thuộc xã Phước Hiệp, phóng xa tầm nhìn ra nữa là cánh đồng Long Triều, phía Nam dưới núi là khu dân cư xã Phước Sơn. Nếu tính theo đường chim bay thì phế tích cách trung tâm huyện Tuy Phước khoảng 2,0km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 6,0km về hướng Bắc.

I. Quá trình khai quật

1. Quá trình phát hiện nghiên cứu

Phế tích tháp Xuân Mỹ được biết đến lần đầu tiên trong công trình "Thống kê, khảo tả các di tích Chàm tại Trung Kỳ” của Henri Parmentier với tên gọi là Sơn Triều.

Năm 2005, trong quá trình khai thác đất tại đây, người dân đã phát hiện được một chóp tháp bằng đá hoa cương, cao 162cm, rộng 82cm. Hiện chóp tháp đang được trưng bày tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Năm 2018, Bảo tàng tỉnh Bình Định khảo sát lại phế tích tháp Xuân Mỹ, phát hiện được một số mảnh gốm trang trí điểm góc, ngói và dấu vết kiến trúc bằng đá ong.

2. Quá trình khai quật

Cuộc khai quật được tiến hành trên tổng diện tích 146m2, bao gồm hố HI với diện tích 130m2 và hố HII với diện tích 16m2.

- Hố HI: Hố được mở về phía Nam so với đỉnh gò, diện tích là 130m2. Sau khi bóc lớp đất mặt khoảng 0,1m, phát hiện được nền gạch, đây là dấu vết kiến trúc bị sụp đổ để lại. Bóc toàn bộ lớp đất đổ phía trên và xung quanh, xuất lộ phần chân đế kiến trúc tháp, là một khối gạch được liên kết vững chắc bao gồm: một phần chân đế vòm cửa phía Đông tháp, chân đế phía Nam tháp và lòng tháp.

- Hố HII: Mở hố hơi chếch về hướng Đông Bắc với diện tích là 16m2. Trong quá trình khai quật phát hiện trong hố một khối tường bị đổ với 11 lớp gạch, kích thước cao: 0,58m; dài: 1,45m; rộng: 0,60m.

II. Kết quả khai quật

1. Dấu vết kiến trúc

Cuộc khai quật đã làm rõ hệ thống móng kiến trúc tháp Champa tại phế tích tháp Xuân Mỹ.

- Móng hệ thống vòm cửa tháp phía Đông: Đây là dấu vết cửa ra vào của ngôi tháp, có hình chữ nhật với chiều rộng là 6,0m, chiều dài còn lại 4m6 (chân móng tháp vẫn còn vào vách Đông hố HI), tính từ lớp mặt sàn bên ngoài chân đế tháp, chỗ cao nhất là 1,95m với 29 lớp gạch, trên cùng là một lớp đá ong. Phía trên nền móng vòm cửa phía Đông là phần tường tiền sảnh cửa ra vào, dấu vết chỉ còn lại 5 lớp gạch.

- Mặt tường móng chân đế phía Đông tháp: Tại vị trí bắt góc giữa thân tháp và vòm cửa phía Đông đến góc Đông Nam của tháp dài 3m1, chỗ cao nhất cao 1,95m với 29 lớp gạch, trên là lớp đá ong. Một phần mảng tường này lớp ngoài chưa bị mất, vị trí bắt góc được tạo hình cột ốp có gờ nhô ra.

- Mặt tường móng chân đế phía Nam tháp: Chiều dài mặt tường phía Nam xuất lộ dài 10m (một phần vẫn còn vào vách Tây hố I), phần tường còn lại cao nhất là 1m90 với 29 lớp gạch. Lớp đá ong phía trên từ mặt Đông vẫn còn chạy men theo mép bình diện kiến trúc về mặt Nam.Đa phần lớp gạch ốp ngoài cùng của tường phía Nam đã bị mất. Chân đế cửa giả phía Nam tháp được xây hình khối vững chắc, nhô ra khỏi mặt tường 0,46m, bề rộng 3m80, cách góc Đông Nam của tháp 4m20.Phần trang trí đế tháp cửa giả còn tương đối nguyên vẹn, chính giữa đế tháp cửa giả tạo hình trụ ốp tạo đăng đối

- Hố thiêng trong lòng tháp: Quá trình khai quật, đoàn khảo cổ phát hiện được hố thiêng, đây là kiến trúc trung tâm của ngôi tháp. Tuy nhiên, đoàn chỉ mới làm rõ cạnh phía Nam, một phần cạnh phía Đông và phía Tây. Về hình dạng, của hố thiêng gồm hai phần: Phần trên có khối hình hộp, mỗi cạnh dài 4m30. Phần dưới được xây hình thang cân lộn ngược, giật cấp 12 bậc , cạnh dưới đáy dài 2m66.


Toàn cảnh hố khai quật

2. Hiện vật

a. Chất liệu đá

Mi cửa: Cách lòng tháp 1m về phía Đông, phát hiện thanh đá cát vẫn còn ăn vào vách Bắc, có chiều dài còn lại 0,7m, rộng 0,5m, dày: 0,1m, có lỗ mộng, đây là khung dưới cửa ra vào của ngôi tháp.

b. Đồ đất nung

- Gạch: Là vật liệu chủ yếu sử dụng xây dựng nên hình hài kiến trúc. Trong quá trình khai quật, dựa vào kích thước và hình dáng, gạch được chia làm 28 loại hình. Trong đó phổ biến là loại gạch có kích thước trung bình dài: 35cm; rộng 17,5cm; dày: 6cm.

- Đất nung trang trí vòm cửa tháp gồm các loại hình: Lá nhĩ gốm dùng để gắn trang trí trên đỉnh các vòm cửa tháp các tầng khác nhau sô lượng 30 hiện vật. Chốt khóa đỉnh vòm cửa với 3 hiện vật. Phù điêu Makara dùng trang trí dưới chân vòm cửa với 9 hiện vật. Gốm trang trí điểm góc trang trí một mặt dùng để trang trí vòm cửa tháp gồm 126 hiện vật. Ngoài ra, còn có 9 mảnh phù điêu động vật như voi, ngỗng Hamsa, …

- Đất nung trang trí tháp góc gồm các loại hình: Chóp tháp góc dùng để trang trí đỉnh của tháp góc phát hiện được 14 hiện vật. Gốm trang trí điểm góc trang trí hai mặt dùng trang trí tháp góc gồm 55 hiện vật. Đặc biệt, trong quá trình khai quật phát hiện được số lượng lớn các chuôi gốm với số lượng 62 hiện vật, trong đó phần lớn là có khắc chữ.

- Ngói: Cuộc khai quật thu được 70 mảnh ngói mũi lá và 8 mảnh ngói hình sừng bò.

- Đồ gốm sứ: Trong quá trình khai quật, phát hiện một số đồ gốm gia dụng, tất cả dưới dạng bị vỡ nhiều mảnh với 99 mảnh gốm. Đồ gốm chủ yếu là gốm Champa và số lượng ít gốm Việt, gốm Trung Quốc.


Gốm trang trí điểm góc


Phù điêu thủy quái Makara

III. Những nhận thức ban đầu

1. Quy mô về kiến trúc

Kết quả khai quật xuất lộ kiến trúc tháp Champa, có bình đồ hình vuông, mỗi cạnh 12,20 x 12,20m, có hệ thống cửa ra vào phía Đông (Đông lệch Nam 5o) và cửa giả. So sánh về bình diện với các tháp Champa khác thì bình diện tháp Xuân Mỹ có quy mô khá lớn. Kết hợp giữa quy mô kiến trúc to lớn và nằm trên vị trí cao nhất của đỉnh núi có thể suy luận rằng kiến trúc tại hố H1 là ngôi tháp thờ chính (hay còn gọi là Kalan).

2. Kỹ thuật xây dựng

- Để tạo mặt bằng xây dựng người thợ cho đào xuống lớp đất gốc độ sâu khoảng 0,4m, diện tích hố đào sẽ rộng hơn so với diện tích kiến trúc dự kiến xây dựng. Sau đó phủ lớp cát trộn với sỏi, lớp này có tác dụng tạo mặt bằng cũng như là hút ẩm, tiếp theo người thợ cho một lớp mỏng đất sét trộn với gạch vụn đầm nện chặt, lớp này có tác dụng ồn định phần móng, rồi người thợ tiến hành cho xây gạch lên, trong đó có 6 lớp gạch nằm phía dưới so với lớp mặt sàn. Mặt sàn xung quanh đế tháp được đắp thêm một lớp gạch vụn trộn đất sét đầm chặc.

- Hệ thống móng tháp được sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau: đá ong, gạch xây, gạch đất nung. Phần đế tháp được xây nhiều lớp gạch theo phương pháp mài chập, sử dụng lớp vữa làm bằng nhựa thực vật. Phần kết cấu bên trong nền móng gạch được xếp so le, câu móc nhau, tạo độ liên kết vững chắc, nhưng ở lớp gạch tường ngoài được xây theo kiểu khớp mí, tạo mặt phẳng, không thấy mạch vữa.

- Sự xuất hiện các loại hình vật liệu đá tham gia vào công trình kiến trúc như đế bậc cửa, chóp đá với kích thước lớn, cho thấy đây là một công trình kiến trúc được xây dựng có quy mô lớn có tính bền vững cao.

3. Niên đại kiến trúc

Về vật liệu xây dựng cho thấy ở đây sử dụng đá ong là loại hình vật liệu ảnh hưởng từ văn hóa Khmer, được sử dụng trong các công trình kiến trúc như: Bánh Ít, Dương Long, Tháp Mắm, Tân Kiều, cũng như nhóm tháp G Mỹ Sơn, Núi Bút ( Quảng Ngãi). Về khối kiến trúc so sánh khối kiến trúc chân đế tháp Xuân Mỹ với trang trí chân đế tháp G Mỹ Sơn và tháp Cổng Bánh Ít cho thấy khối đơn giản, nút thắt khối đế tháp thấp, cho nên tương đồng với nhau.Qua những di tích và di vật so sánh với kiến trúc tháp Champa hiện còn, cho thấy khả năng niên đại phế tích tháp Xuân Mỹ có niên đại vào cuối thế kỷ 12, dưới triều vua Jaya Harivarman I (năm 1143 – 1170).

4. Những giá trị lịch sử và văn hóa

- Với quy mô kiến trúc to lớn, trang trí mỹ thuật đẹp, được xây dựng tại cửa ngõ kinh đô Vijaya, đã phần nào phản ảnh lịch sử Vijaya thời kỳ này, đây là thời kỳ ổn định về xã hội, kinh tế phát triển, tạo nên sức sống mới sau những biến động lịch sử.

- Phế tích tháp Xuân Mỹ được xây dựng theo truyền thống kế thừa tinh hoa nghệ thuật kiến trúc tháp Champa, kết hợp với sử dụng vật liệu mới từ văn hóa Khmer, đã phản ánh mối quan hệ mở rộng dưới vùng đất Vijaya với các nền văn hóa bên ngoài, tiếp thu có chọn lọn làm giàu bản sắc văn hóa Champa trong lịch sử.

Hoàng Như Khoa

Lên đầu trang   Trở lại  
 
Nghiên cứu - sưu tầm
Khai quật kiến trúc phế tích tháp Xuân Mỹ (Bình Định) - 07/04/2021
Những tư liệu mới về tháp Hòn Chuông (huyện Phù Cát - tỉnh Bình Định) - 02/04/2021
Phù điêu nữ thần Sarasvati - 18/03/2021
Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật bảo tàng - 04/02/2021
Công tác sưu tầm góp phần làm nên diện mạo Bảo tàng tỉnh Bình Định (Kỳ cuối) - 20/01/2021
Công tác sưu tầm góp phần làm nên diện mạo Bảo tàng tỉnh Bình Định (Kỳ 1) - 20/01/2021
Hai tượng Hộ Pháp (Dvarapala) ở chùa Nhạn Sơn - 19/01/2021
Tượng thần Siva ở chùa Linh Sơn (Phật Lồi) - 19/01/2021
Hai phù điêu chim thần Garuda diệt rắn - 19/01/2021
Phù điêu thần Brahma - 19/01/2021
Phù điêu nữ thần Mahishasurmadini - 19/01/2021
 
Hiện vật nổi bật