Hiến tặng tư liệu, hiện vật
bn_l2
bn_l
b
Liên kết website
 

Không gian trưng bày của Bảo tàng tỉnh Bình Định

Không gian trưng bày của Bảo tàng  tỉnh Bình Định
BAOTANGBINHDINH.COM.VN »
19/01/2021 | 08:21
Bảo tàng tỉnh Bình Định là Bảo tàng loại 2. Với không gian hiện có chia làm 5 phòng trưng bày gồm: Phòng Thiên nhiên – Đất nước - Con người Bình Định; Phòng hiện vật gốm cổ Chămpa Bình Định; Phòng điêu khắc mỹ thuật Chăm pa; Phòng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Phòng trưng bày Nhân dân Bình Định với Bác Hồ, Bác Hồ với nhân dân Bình Định. Ngoài ra, còn có không gian trưng bày hiện vật ở ngoài trời.

- Phòng trưng bày thứ nhất, là Phòng trưng bày Thiên nhiên – Đất nước – Con người Bình Định. Nội dung trưng bày của phòng này khái quát những đặc điểm về tự nhiên của vùng đất và con người Bình Định như: diện tích tự nhiên; dân số; đơn vị hành chính; thành phần các dân tộc; khoáng sản; sinh thái rừng, biển; một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng; 03 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cấp quốc gia (võ Bình Định, Hát bài chòi, Nghệ thuật hát Tuồng); một số đặc trưng văn hóa tiêu biểu của 4 cộng đồng dân tộc chính sinh sống trên địa bàn tỉnh: Kinh, Bana, H’re, Chăm H’roi; trưng bày hiện vật về văn hóa Sa Huỳnh; hiện vật về Văn hóa Đông Sơn phát hiện trên địa bàn tỉnh; hiện vật thời nhà Nguyễn - Tây Sơn; hiện vật về Khởi nghĩa Cần Vương trên đất Bình Định.

- Phòng trưng bày thứ hai, là Phòng hiện vật gốm cổ Chămpa Bình Định trưng bày những loại hình gốm tiêu biểu nhất được phát hiện hoặc sản xuất tại Bình Định. Trong đó phải kể đến sưu tập hiện vật gốm Chăm pa phát hiện được tại Bình Định. Sưu tập gốm Chăm được chia làm hai loại là gốm trang trí kiến trúc và gốm gia dụng. Gốm trang trí kiến trúc thường được sử dụng để trang trí trên các công trình kiến trúc đền tháp Chăm pa xưa. Gốm kiến trúc Chăm pa trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định tương đối phong phú về các loại hình như: Tượng, phù điêu đất nung hình các vị thần, tu sĩ, voi, makara, kala,….; các loại hình trang trí đầu ngói ống hình sư tử, hoa sen, mặt hề,…; các loại hình gốm trang trí điểm góc (còn gọi là tai lửa) với nhiều kích cỡ khác nhau, có loại thì chạm trổ hai mặt, có loại chạm trổ một mặt, có loại chạm nông, có loại chạm lộng; trang trí đất nung hình lá đề, lá nhĩ, trụ gốm hình con tiện…tất cả phản ánh sự phong phú, đa dạng của các loại hình gốm trang trí kiến trúc Chăm pa phát hiện được tại Bình Định mà ít có nơi nào có được. Về sưu tập gốm gia dụng trưng bày tại bảo tàng cũng rất đa dạng về loại hình sản phẩm. Có cả sưu tập gốm Chăm sớm bằng đất nung, không tráng men với các loại hình như bát, lọ, hũ nhỏ, bình nhỏ, đĩa nhỏ,…Đặc biệt là sưu tập dòng gốm tráng men Gò Sành rất độc đáo, gắn liền với 6 khu lò nung gốm Chăm nổi tiếng phát hiện được tại Bình Định: Gò Sành, Gò Hời, Gò Giang, Gò Ké, Trường Cửu, Gò cây Me. Hiện vật gốm phát hiện được tại các khu lò gốm này hiện đang trưng bày tại Phòng hiện vật gốm Bình Định của Bảo tàng khá đầy đủ các loại hình từ Hũ lớn, hũ nhỏ, bình, vò, bát, đĩa, cốc, bình Kendi,…với đủ kích cỡ; một số loại trang trí hoa văn, có loại không trang trí hoa văn; có loại tráng men ngọc, tráng men nâu, men vàng da lươn,….tất cả tạo nên một sưu tập đủ sắc màu về một dòng gốm nổi tiếng của Chăm pa trong lịch sử, với định danh thường gọi là gốm cổ Gò Sành.

- Phòng trưng bày thứ ba, là Phòng điêu khắc mỹ thuật Chămpa, với những tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu đá sa thạch của văn hóa Chămpa độc đáo nhất được trưng bày, phục vụ khách tham quan. Những khối điêu khắc được trưng bày tại đây được chọn lọc từ hàng ngàn tác phẩm điêu khắc Chămpa phát hiện được từ trước đến nay tại Bình Định. Có rất nhiều loại hình khác nhau được trưng bày như: hình tượng Brahma, Sihva, Visnu, Mahishamardini, Sarasvati, chim thần Garuda, thủy quái Makara, rắn Naga, bò Nandin, Kala, Gajasimha…là những hình tượng quen thuộc gắn liền với tôn giáo của người Chăm pa xưa. Đặc biệt tại phòng trưng bày điêu khắc mỹ thuật Chăm pa này, hiện đang lưu giữ 5 tiêu bản Bảo vật quốc gia đã được công nhận tại Bình Định đó là: Phù điêu Brahma (công nhận năm 2015); Phù điêu nữ thần Mahishamardini (công nhận năm 2016); Hai tượng chim thần Garuda (công nhận năm 2017) và Phù điêu nữ thần Sarasvati (công nhận năm 2020).

- Phòng trưng bày thứ tư, là Phòng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Với bố cục trưng bày tuân thủ theo niên biểu lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tại địa phương, giúp cho khách tham quan dễ dàng cảm nhận được truyền đấu đấu tranh cách mạng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân Bình Định. Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày tại đây được chọn lọc khá kỹ lưỡng từ hàng trăm tư liệu, hiện vật sưu tầm được qua hai cuộc kháng chiến. Từ những hiện vật vũ khí thô sơ trong cuộc kháng chiến chống Pháp như: chông tre, dao, kiếm, mã tấu, súng SK phà,…đến những loại vũ khí hiện đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như: súng AK 47, súng Cabin, AR15, ĐKZ, súng 12 ly 8,…gắn liền với chiến công, chiến tích của những đơn vị, những gương anh hùng trong hai cuộc kháng chiến. Một điểm nhấn khác của phòng trưng bày chống Pháp và chống Mỹ chính là mảng trưng bày kỷ vật của các Mẹ VNAH, các Anh hùng Lực lượng vũ trang của tỉnh qua hai cuộc chiến. Mỗi kỷ vật đơn sơ đều mang trong mình những câu chuyện đầy ý nghĩa, có tác dụng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

- Phòng trưng bày thứ năm, là Phòng trưng bày Nhân dân Bình Định với Bác Hồ, Bác Hồ với nhân dân Bình Định. Đây được xem là một phòng trưng bày khá đặc biệt mà không phải Bảo tàng nào cũng có được. Bởi lẽ, Bình Định vinh dự và tự hào là một trong những điểm dừng chân học tập, lao động trên hành trình chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (chính là Bác Hồ sau này). Với dấu ấn lịch sử đặc biệt đó, năm 1990, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam xây dựng phòng trưng bày Nhân dân Bình Định với Bác Hồ, Bác Hồ với nhân dân Bình Định, và đến ngày 19/5/1991, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác thì chính thức cắt băng khánh thành phòng trưng bày này. Tại đây, bên cạnh việc trưng bày những tư liệu hiện vật khái quát cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì còn đặc biệt chú trọng trưng bày những tư liệu, hiện vật thể hiện tình cảm của Nhân dân Bình Định với Bác Hồ, Bác Hồ với nhân dân Bình Định. Có rất nhiều những kỷ vật Bác dành tặng cho những người con Bình Định có dịp được gặp, làm việc với người và cũng có những kỷ vật gắn với tình cảm mà nhân dân Bình Định dành tặng cho Bác. Tất cả tạo nên một không gian trưng bày rất sinh động về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Ngoài ra, tại Bảo tàng còn có không gian trưng bày hiện vật ở ngoài trời. Với khuôn viên Bảo tàng tương đối rộng nên việc sắp đặt trưng bày một số hiện vật ngoài trời cũng được quan tâm. Hiện nay, không gian trưng bày hiện vật ngoài trời chủ yếu được bố trí ở sân trước của Bảo tàng. Những hiện vật trưng bày tại đây thường có kích thước tương đối lớn, nhưng vẫn không kém phần độc đáo. Đầu tiên phải kể đến hai kỷ vật gắn liền với sự kiện trọng đại giải phóng Quy Nhơn ngày 31/3/1975, đó là xe bọc thép M113 và khẩu pháo 105ly. Hai phương tiện vũ khí này chính là chiến lợi phẩm ta thu được của địch và sử dụng cho trận đánh giải phóng Quy Nhơn vào mùa xuân năm 1975, trở thành một điểm nhấn đầu tiên khi khách bước chân vào tham quan Bảo tàng. Bên cạnh đó còn trưng bày một số điêu khắc trang trí Chăm pa có kích thước lớn như Makara, Naga 3 đầu, Naga 5 đầu, sư tử, Gajasimha,…càng tăng thêm vẻ sinh động của cảnh quan phía trước khuôn viên Bảo tàng.

Đặc biệt, khuôn viên phía sau Bảo tàng hiện đang trưng bày 3 chiếc mặt nạ theo phong cách tuồng Bình Định, lớn nhất Việt Nam, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập, cao 3m và rộng 2,1m. Ba mặt nạ Tuồng thể hiện hình tượng khuôn mặt của các nhân vật Phàn Định Công, Khương Linh Tá và Tạ Ôn Đình trong vở Sơn Hậu, được coi là vở tuồng cung đình kinh điển của Việt Nam. Đây cũng được xem là một điểm nhấn thú vị cho khách khi đến tham quan Bảo tàng, để được tận mắt thưởng lãm một kiệt tác đang nắm giữ kỷ lục Việt Nam.

Nguyễn Viết Tuấn

Lên đầu trang   Trở lại  
 
Giới thiệu chung
Không gian trưng bày của Bảo tàng tỉnh Bình Định - 19/01/2021
 
Hiện vật nổi bật