Hiến tặng tư liệu, hiện vật
bn_l2
bn_l
b
Liên kết website
 

Những tư liệu mới về tháp Hòn Chuông (huyện Phù Cát - tỉnh Bình Định)

Những tư liệu mới về tháp Hòn Chuông (huyện Phù Cát - tỉnh Bình Định)
Tháp Hòn Chuông
BAOTANGBINHDINH.COM.VN »
02/04/2021 | 08:14
Tháp Hòn Chuông có tọa độ 1403’39.59” độ vĩ Bắc – 10908’3.23” độ kinh Đông, thuộc thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nằm trên đỉnh của ngọn núi thuộc khu vực phía Bắc của dãy Núi Bà. Núi Bà – là một hệ thống dãy núi với nhiều ngọn núi khác nhau, chạy theo hướng Bắc Nam, tách biệt hoàn toàn với dãy Trường Sơn. Núi Bà nằm vị trí phía Đông của tỉnh Bình Định gần giáp với biển nên có thể xem Núi Bà như là một tấm bình phong che chắn của khu vực đồng bằng Bình Định rộng lớn.

Năm 1993, trong đợt khảo sát tại khu vực dãy núi Bà, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Định đã phát hiện một kiến trúc nằm trên một tảng đá to, cao sừng sững, tục gọi là Hòn Chuông mà từ trước đến nay không thấy tư liệu nào đề cập đến kiến trúc này. Vị trí của kiến trúc nằm trên Hòn Chuông cao 800 mét so với mực nước biển, không có dấu hiệu về đường dẫn lên kiến trúc. Khảo sát dưới nền đất, vị trí xung quanh dưới chân của tảng đá, cán bộ Bảo tàng phát hiện rất nhiều mảnh gạch Chăm, cùng các mảnh ngói mũi lá; ngói hình sừng bò. Bước đầu xác định, đây là một kiến trúc tháp, lấy tên tảng đá đặt cho tên tháp là tháp Hòn Chuông và bổ sung thêm số lượng tháp Champa tại Bình Định lên thành 8 cụm. Do không có đường đi lên để tiếp cận ngôi tháp, nên chỉ có thể ghi nhận bằng những bức ảnh chụp từ xa, do kỹ thuật máy ảnh thời kỳ đó chưa phát triển nên hình ảnh ngôi tháp rất mờ nhạt, khó hình dùng được hình dáng của ngôi tháp.

Năm 2020, Bảo tàng tỉnh Bình Định, tiến hành điều tra tháp Hòn Chuông lần thứ 2, với sự hỗ trợ công nghệ flycam, tháp Hòn Chuông hiện ra với một kiến trúc đặc biệt. Tháp Hòn Chuông có bình đồ hình vuông, giống như các tháp Champa truyền thống. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt là từ phần chân lên cao khoảng 2m tường tháp xây thẳng sau đó thóp dần từ dưới lên trên, phần đỉnh tháp bị cây cối mọc um tùm bao phủ, xung quanh ngôi tháp có rất nhiều gạch rơi vãi, phủ lên nền đá. Qua kích thước gạch thu nhặt được dưới chân tảng đá, gạch rộng 18cm; dày: 8cm, kết hợp với số lớp gạch xây mặt ngoài tháp có thể ước đoán kích thước của ngôi tháp: cao 7m, mỗi cạnh dài 8m50.

Bốn mặt của ngôi tháp thì mặt Đông còn nguyên vẹn nhất, phía trước dưới chân mặt Đông bị lấp một phần do gạch đổ từ trên xuống,dưới chân chính giữa mặt Đông vẫn còn xuất lộ cửa ra vào, vòm cửa được xây theo kiểu giật cấp hai bên, sau đó thu nhỏ dần lên trên đỉnh, chiều cao còn lại của cửa ra vào ngôi tháp ước đoán cao khoảng 2m08. Mặt phía Bắc, cũng bị hư hại khá nhiều, phần trên cùng gần mái và phần chân tháp vẫn còn các lớp gạch ngoài. Mặt phía Nam lớp gạch ngoài chỉ còn tập trung ở những lớp trên cùng. Mặt phía Tây, đây là phần mặt bị hư hại nhiều nhất, toàn bộ lớp gạch ngoài đã bị bong hết chỉ còn lại các lớp gạch bên trong, mặt Tây bị cây cối bao phủ nhiều, có những cây lớn có bộ rễ ăn sâu vào tận kết cấu các lớp gạch bên trong làm cho một số vị trí bị sô lệch. Khảo cứu cho thấy thấy kỹ thuật xây dựng của ngôi tháp, lớp gạch ngoài được xây kiểu khớp mí, những viên gạch vát một cạnh rộng hướng ra ngoài, gạch xây mài khít không thấy mạch vữa, các lớp gạch trong xây kiểu so le câu móc vào nhau.

Về hiện vật, phát hiện chủ yếu là ngói cho thấy kiến trúc tháp Hòn Chuông, là một kiến trúc lợp ngói với hai loại: một là ngói bản dương có gắn sừng bò với độ rộng và độ cong lớn, loại này dùng lợp trên bờ nóc của mái, loại thứ hai là ngói mũi lá được lợp xuôi theo sườn mái.

Ngôi tháp Hòn Chuông được xây dựng trên núi cao và không có ngọn núi lớn nào che chắn trước mặt, nên tầm nhìn của ngôi tháp là cực kỳ rộng lớn. Từ ngôi tháp nhìn về phía Đông là đường bờ biển dài; phía Bắc là đồng bằng Phù Mỹ được bồi đắp bởi dòng sông Latinh chảy ngang qua; phía Đông Bắc thấy được cửa biển Đề Gì, từ đây vào Đầm Nước Ngọt, ngược dòng sông Latinh đi sâu vào khu vực nội địa; phía Đông Nam có thể nhìn thấy khu vực Đầm Thị Nại, có các nhánh sông Côn đổ ra, đây được xem là cửa ra vào chính bằng đường thủy của kinh đô Vijaya; còn nhìn về phía Tây Nam, khu vực đồng bằng An Nhơn hiện ra trước mắt - nơi đây chính là trung tâm chính trị, tôn giáo của vương quốc Champa với hệ thống thành quách, đền tháp và phế tích tập trung phần lớn tại khu vực này; riêng khu vực phía Tây do có núi Chóp Vung chắn ngang nên tầm nhìn bị che khuất. Và chính bởi địa thế như vậy, nên từ gần bờ biển cho đên nhiều vị trí khác nhau ở khu vực đồng bằng của tỉnh Bình Định, đặc biệt từ kinh đô Chà Bàn nhìn về hướng Đông,vẫn thấy rất rõ tảng đá Hòn Chuông nhô ra khỏi dãy Núi Bà.


Toàn cảnh tháp Hòn Chuông trên đỉnh núi Bà

Nhận xét bước đầu:

Về vị trí: Tọa lạc trên đỉnh núi có độ cao 800m so với mặt nước biển, cho nên tháp Hòn Chuông được xem là ngôi tháp Champa còn tồn tại có vị trí xây dựng cao nhất Việt Nam.

Về kiến trúc: Tháp Hòn Chuông là một kiến trúc độc đáo về hình dáng. Nếu như các tháp Champa khác được xây với tường thẳng và hệ thống cột ốp, vòm cửa với nhiều họa tiết trang trí, có mái giật cấp thu dần lên trên thì tháp Hòn Chuông có tường tháp xây thóp dần lên trên mái, bộ mái tháp được lợp ngói, tháp hoàn toàn không có hoa văn trang trí. Lý giải cho vấn đề hình dáng của ngôi tháp Hòn Chuông, có thể do ngôi tháp được xây trên tảng đá nguyên khối, nên không thể xử lý móng như những ngôi tháp Champa khác. Chính vì vậy, người Champa đã sử dụng phương pháp xây tường thóp dần lên, phần mái thì lợp ngói, nhằm làm cho phần chân tháp không phải chịu lực quá nặng từ những khối gạch phía trên của phần thân tháp, giúp cho ngôi tháp được vững chắc.

Về chức năng: Giống với những ngôi tháp Champa khác, ngôi tháp Hòn Chuông cũng được xây với tường tháp cao và dày, không gian bên trong nhỏ, một cửa ra vào ở phía Đông, tượng trưng như một hang động, là nơi trú ngụ của thần linh, theo truyền thuyết Ấn Độ giáo. Đặc biệt, nhìn từ xa, tảng đá Hòn Chuông đỉnh tròn dáng thẳng đứng, giống như một chiếc linga khổng lồ nhô lên dãy núi (hay còn gọi là Lingaparvati). Cho nên tháp Hòn Chuông mang một chức năng tôn giáo đặc biệt đối với khu vực Vijaya. Tuy nhiên, vì không tiếp cận được ngôi tháp để xác định lòng tháp vẫn còn có đồ thờ hay không, do đó chưa thể nhận định cụ thể chức năng tôn giáo của ngôi tháp.

Ngoài ra, còn vấn đề cần được lý giải thêm là với tầm nhìn bao quát như vậy liệu tháp Hòn Chuông có mang chức năng về quân sự ? Theo ý kiến của chúng tôi, tháp Hòn Chuông không mang chức năng về quân sự, bởi vì với độ cao được xây dựng là 800m so với mặt nước biển, rất khó để thấy rõ được ngôi tháp. Ngoài ra, với vị trí xây dựng rất cao, thường xuyên bị mây che phủ xung quanh, cho nên không phải lúc nào cũng có thể thấy được tảng đá hoặc ngôi tháp. Nếu như có những biến động nào từ xa thì không thể thấy các dấu hiệu cảnh báo từ tháp Hòn Chuông . Chính vì vậy, theo chúng tôi tháp Hòn Chuông mang chức năng duy nhất là tôn giáo, được xây dựng tại một vị trí linh thiêng trong tín ngưỡng của người Champa.

Hoàng Như Khoa

Lên đầu trang   Trở lại  
 
Nghiên cứu - sưu tầm
Khai quật kiến trúc phế tích tháp Xuân Mỹ (Bình Định) - 07/04/2021
Những tư liệu mới về tháp Hòn Chuông (huyện Phù Cát - tỉnh Bình Định) - 02/04/2021
Phù điêu nữ thần Sarasvati - 18/03/2021
Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật bảo tàng - 04/02/2021
Công tác sưu tầm góp phần làm nên diện mạo Bảo tàng tỉnh Bình Định (Kỳ cuối) - 20/01/2021
Công tác sưu tầm góp phần làm nên diện mạo Bảo tàng tỉnh Bình Định (Kỳ 1) - 20/01/2021
Hai tượng Hộ Pháp (Dvarapala) ở chùa Nhạn Sơn - 19/01/2021
Tượng thần Siva ở chùa Linh Sơn (Phật Lồi) - 19/01/2021
Hai phù điêu chim thần Garuda diệt rắn - 19/01/2021
Phù điêu thần Brahma - 19/01/2021
Phù điêu nữ thần Mahishasurmadini - 19/01/2021
 
Hiện vật nổi bật